Xiếc Việt Nam cần ” nhất chuyên, đa năng”

Phóng viên (PV): Thưa TS. Hoàng Minh Khánh (TS. HMK) – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, xin ông cho biết công tác đào tạo diễn viên xiếc năm vừa qua của Trường như thế nào?
TS. HMK: Công tác đào tạo của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam năm 2012 có những hoạt động chính như:
1/ Công tác tuyển sinh.
Mùa tuyển sinh năm học 2012 của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam bắt đầu từ trung tuần tháng 3 và kết thúc vào đầu tháng 8. Năm nay, Trường tuyển được 33 học sinh trong tổng số 2571 thí sinh dự tuyển. Số học sinh thực nhập học là 17 em.
2/ Công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ xiếc.
Do một số nguyên nhân khách quan, nên hai năm qua, Ban giám hiệu và Hội đồng khoa học Đào tạo của Trường đã thành lập một nhóm sáng tác tiết mục để giao cho các giáo viên huấn luyện. Năm 2012 nhóm sáng tác này đã sáng tác và xây dựng được 06 đề án tiết mục xiếc đạt chất lượng cho học sinh khóa 31. Hội đồng thi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã tổ chức thi tốt nghiệp cho 37 em học sinh của 2 khóa K27 và K28 với 20 tiết mục xiếc và tiểu phẩm hề.
3/ Công tác đào tạo văn hóa phổ thông.
Độ tuổi tuyển sinh đầu vào của học sinh Trường Xiếc là 11, trình độ văn hóa phổ thông là tốt nghiệp bậc Tiểu học (Lớp 5). Theo chương trình đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp của Trường, toàn bộ học sinh đều phải học và thi tốt nghiệp văn hóa phổ thông ở trình độ Trung học Phổ thông (lớp 12). Vì thế hiện nay trong Trường, ngoài các khoa đào tạo học sinh chuyên môn nghiệp vụ xiếc, chúng tôi còn đào tạo học sinh ở 2 cấp học là Trung học Cơ sở (THCS) và Trung học Phổ thông (THPT). Năm 2012, tỷ lệ học sinh của toàn trường xét tốt nghiệp Bổ túc THCS đạt 87,5%; tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp Bổ túc THPT đạt 100%.
4/ Công tác nghiên cứu khoa học.
Tháng 3/2012, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã phối hợp với trường Đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện và bảo vệ thành công Đề tài khoa học cấp Bộ: “Nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động Marketing đối với nghệ thuật biển diễn trong thời kỳ hội nhập”.
Tháng 12/2012, Trường đã hoàn thành xong giai đoạn hậu kỳ của bộ phim khoa giáo “Giáo trình cơ bản Nhào lộn” (do TS. Hoàng Minh Khánh làm chủ biên kiêm đạo diễn). Trường đã dịch và đang hiệu đính 5 đầu sách tham khảo. Đây là các giáo trình và tài liệu của các nước Pháp và Nga để phục vụ công tác giảng dạy và đào tạo của Trường.
5/ Những thành tích đạt được trong hoạt động biểu diễn, thực tập.
Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tổ chức các hoạt động dàn dựng và biểu diễn thực tập tốt nghiệp cho học sinh cuối khóa: Diễn viên và học sinh của Nhà hát Thể nghiệm đã tham gia vào 4 cuộc thi, Liên hoan và Hội diễn lớn được tổ chức trong và ngoài nước.
Tính đến giai đoạn và thời điểm này trong suốt lịch sử 51 năm hình thành và phát triển Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam thì có thể đánh giá năm học 2011-2012 là một năm đầy khó khăn và sóng gió nhất đối với tập thể lãnh đạo Trường, song cũng là một năm mà đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh đạt được những thành tích cao nhất trong lịch sử của Trường với 21 giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.
Trong cuộc thi “Tài năng Xiếc trẻ ba nước Đông Dương lần thứ II” được tổ chức tại Lào từ ngày 25-30/12/2011, Trường đã đoạt được 10 giải thưởng: 01 Giải Nhất (duy nhất) cho tiết mục “Ngày hội Tây Nguyên”; 01 Giải Nhì cho tiết mục “Nhào lộn trên xe Mô tô”; 01 Giải Ba cho tiết mục “Đứng tay tạo hình”; 03 giải Khuyến khích cho các tiết mục: “Lắc vòng”, “Ảo thuật”, “Tạo hình trên xà đơn”; 02 Giải Tài năng trẻ triển vọng cho hai học sinh: Quách Xuân Tùng và Nguyễn Phương Thảo.
Tại “Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, Thể dục Thể thao và du lịch lần thứ I” tại Đà Nẵng từ ngày 23-30/6/2012, Trường đoạt được 7 giải: 02 Giải Nhất cho tiết mục “Đế trụ” và “Đu quay”; 02 Giải Nhì cho tiết mục “Nhào lộn trên xe Mô tô” và “Cầu bật sào”; 01 Giải Ba cho tiết mục “Ảo thuật”; 01 Giải Nhì toàn đoàn cho “Chương trình biểu diễn” cho tập thể Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; 01 Giải Đạo diễn chương trình cho TS. Hoàng Minh Khánh.
Tại Liên hoan Xiếc Quốc tế lần thứ IV tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2012, Trường đoạt được 3 Giải thưởng lớn: 01 Huy chương Vàng cho tiết mục “Ngày hội Tây Nguyên”; 01 Huy chương Bạc cho tiết mục “Đu quay”; 01 Giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” Liên hoan cho TS – Đạo diễn. Hoàng Minh Khánh.
Tại Liên hoan Ảo thuật Chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Hà Nội từ ngày 29-31/12/2012, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã đoạt Huy chương Bạc cho tiết mục “Phương Đông huyền bí”.
PV: Được biết, chế độ ưu đãi đối với học sinh trường Xiếc không cao, dẫn đến hệ quả là mỗi năm số lượng học sinh nhập học không đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Là hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, ông nghĩ như thế nào về vấn đều này:
TS. HMK: Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu các cơ sở đào tạo chỉ duy nhất quan tâm đến chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với học sinh thì chưa hẳn đã đúng. Bởi thời gian học tập của các em học sinh tại Trường chỉ có 5 năm. Mà thời gian sau khi tốt nghiệp mới chính là cuộc đời. Hơn nữa, thời gian học tập của các em còn đang ở độ tuổi vị thành niên nên các em được gia đình và Nhà nước bao cấp lo cho toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt sống. Một thực tế nữa cho thấy, chi phí của gia đình học sinh cho đào tạo một diễn viên xiếc chuyên nghiệp không hề tốn kém nếu so sánh với các lĩnh vực đào tạo khác. Đặc biệt, học phí của các em hiện tại chỉ có 50.000đ/ 1 tháng/ 1 học sinh. Điều tôi đặc biệt quan tâm ở đây là vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, làm sao để các em có một trình độ chuyên môn đạt đẳng cấp quốc tế, để các em có đủ tư cách và điều kiện đi lưu diễn ở nước ngoài và có thể sống đàng hoàng bằng đồng tiền do chính nghề nghiệp của mình đem lại.
Để khuyến khích học sinh hăng say luyện tập và giáo viên có trình độ tâm huyết với nghề, Nhà hát thể nghiệm của Trường đã thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn cho học sinh thực tập kết hợp với dịch vụ biểu diễn. Nguồn thu kinh phí tăng thêm từ hoạt động biểu diễn, chúng tôi đã trích bù tiền ăn cho học sinh với định mức 180.000đ/ 1 học sinh/ 1 tháng. Việc làm này đã có tác động tích cực đến đời sống vật chất của học sinh, hơn thế nó còn có giá trị và ý nghĩa tinh thần, kích thích lòng yêu nghề và hăng say luyện tập đối với học sinh.
PV: Xin ông cho biết những nét mới trong công tác chuyên môn, giảng dạy, tuyển sinh và đào tạo của Trường trong năm 2013 này?
TS. HMK: Cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu và Hội đồng Khoa học và Đào tạo đang nghiên cứu chế độ khoán đối với giáo viên không chỉ dừng lại ở phạm vi sáng tác đề án tiết mục, huấn luyện và dàn dựng tiết mục, trong thời gian tới còn phải khoán cho các giáo viên trong Trường công tác tìm tòi những học sinh có năng khiếu xiếc ở khắp các vùng miền để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.
PV: Hướng đi và những dự định của Nhà trường trong thời gian tới?
TS. HMK: Trong 6 năm qua, kể từ kế hoạch xây dựng lại mục tiêu và nội dung chương trình đào tạo của Trường nhằm tạo tiền đề cho việc nâng cấp Trường lên thành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam giai đoạn sau năm 2013. Với kết quả 21 giải thưởng của hơn 60 học sinh đã đạt được thông qua các cuộc thi xiếc trong nước và quốc tế, một lần nữa đã giúp chúng tôi khẳng định hướng phát triển đúng đắn của nhà trường. Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung đào tạo học sinh theo hướng “nhất chuyên, đa năng”. Điều này có nghĩa là mỗi học sinh cần phải biểu diễn rất giỏi một thể loại tiết mục, nhưng cũng cần phải có đủ trình độ để tham gia vào nhiều thể loại tiết mục xiếc khác.
Chúng tôi cũng tập trung sáng tác và xây dựng đề án tiết mục theo Nhóm tiết mục và Nhóm học sinh. Mỗi học sinh cần tham gia vào một tiết mục tập thể và 1 tiết mục cá nhân trong “Nhóm tiết mục”. Nhóm học sinh từ 10 em trở xuống, có thể sẽ có it nhất 5 tiết mục, trong đó có 1 tiết mục tập thể đông người, 3 tiết mục ít người tham gia và có 1 tiết mục cá nhân.
Ưu tiên và tập trung đầu tư trang thiết bị cho Nhà hát thể nghiệm, nhằm tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu xây dựng các thể loại xiếc mới lạ và có chất lượng nghệ thuật cao. Mặt khác, các học sinh của Trường có một Nhà hát tương đối đạt chuẩn để tổ chức biểu diễn thực tập và kết hợp tạo thêm nguồn thu kinh phí cho Trường.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Ban giám hiệu Trường một mặt ký hợp đồng giao khoán giảng dạy tiết mục với các giáo viên đã nghỉ chế độ, nhưng còn đủ sức khỏe, giàu kinh nghiệm và thành tích biểu diễn trên sân khấu xiếc. Mặt khác cương quyết không giao học sinh cho những giáo viên thiếu tâm huyết đối với nghề và non yếu về trình độ chuyên môn. Khuyến khích các giáo viên tham gia viết và hoàn thiện các giáo trình giảng dạy. Đầu tư sưu tầm tài liệu nước ngoài về biên dịch làm tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh. Đầu tư tập trung và có trọng điểm cho các thể loại tiết mục xiếc mới lạ, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khán giả…. Tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo, thực hiện các dịch vụ đào tạo, dịch vụ biểu diễn tìm thêm nguồn thu nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong Trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *