Cần cái nhìn thấu hiểu về Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ VN

Sau hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, với chức năng đào tạo diễn viên Xiếc và Tạp kỹ chuyên nghiệp cho cả nước, ngày nay Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đang vững bước phát triển; từng bước mở rộng quy mô và các chuyên ngành đào tạo mới nhằm hướng tới mục tiêu trở thành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam trong tương lai không xa.

Đóng góp cho nền nghệ thuật xiếc Việt Nam và khu vực

Lần đầu tiên trong lịch sử sau 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã thành lập được 03 Khoa nghiệp vụ: Khoa Xiếc, Khoa Tạp kỹ, Khoa Văn hóa phổ thông; 03 Phòng chức năng: Phòng Đào tạo – quản lý học sinh, Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Khoa học đối ngoại; các tổ chức trực thuộc: Nhà hát thể nghiệm, Trung tâm thư viện…

Nhà hát thể nghiệm (NHTN) Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam được thành lập năm 2006 và chính thức đi vào hoạt động năm 2008, nhằm thực hiện chủ trương và mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là “Học đi đôi với hành”. Sau 06 năm chính thức hoạt động, hiệu quả đạt được từ Nhà hát đã đạt được ngoài sự mong đợi của tập thể lãnh đạo Trường.

Theo TS. Hoàng Minh Khánh – Hiệu Trưởng Nhà Trường và cũng là người có công sáng lập ra Nhà hát thì “Ngày nay, NHTN Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam không chỉ thực hiện xuất sắc chức năng tổ chức biểu diễn thực tập tốt nghiệp cho học sinh cuối khóa; không chỉ là Trung tâm sáng tác và dàn dựng các thể loại tiết mục xiếc hiện đại mang tính chất thể nghiệm; không chỉ là Trung tâm khôi phục, nâng cao và dàn dựng các thể loại tiết mục xiếc truyền thống, mà Nhà hát thể nghiệm còn bắt đầu thực hiện chức năng đào tạo nguồn giáo viên tương lai cho Trường TCNT Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam”.

Thực tế kết quả đạt được từ 6 năm qua cho thấy, các học sinh có được thời gian được dàn dựng tiết mục và biểu diễn tại Nhà hát thể nghiệm này, thì hầu như những tiết mục xiếc đó đều đi vào lịch sử phát triển của Nhà trường như: “Nhào lộn trên xe mô tô”, “Đế trụ”, “Ngày hội Tây Nguyên”, “Cầu bật đạp người”…

Đây là những thể loại tiết mục mới lạ, có chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật cao. Nhiều tiết mục đã đoạt được các giải thưởng cao: Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng trong các Cuộc thi “Tài năng Xiếc trẻ 3 nước Đông Dương”, Liên hoan Xiếc Quốc tế lần thứ 3, Hội thi “Tài năng Văn hóa Nghệ thuật lần thứ nhất 2012”…

Cũng từ Nhà hát này, các thế hệ học sinh đã trưởng thành và khẳng định được tài năng bản thân, đã có hơn 40 học sinh của Trường kể từ năm 2006 đến nay đọat được những giải thưởng cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế.

Năm 2008, Trường đã phối hợp tham gia với Liên chi hội Xiếc Việt Nam tổ chức thành công Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ Nhất đạt được kết quả rực rỡ và đáng ghi nhận.

Năm 2010, nhân dịp tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong chương trình biểu diễn nghệ thuật đêm 10.10.2010 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, đội ngũ giáo viên và học sinh của Trường đã tham gia và đảm nhiệm toàn bộ Chương III của Chương trình.

Đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật Xiếc của xã hội ngày càng cao, Trường đang tích cực chú trọng đổi mới mục tiêu, chương trình, kế hoạch đào tạo diễn viên biểu diễn nghệ thuật Xiếc ở trình độ trung cấp. Đổi mới chương trình đào tạo kiến thức văn hóa phổ thông và các môn chuyên ngành.

Tiếp tục triển khai kế hoạch biên soạn chương trình, giáo trình theo đề án đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phê duyệt. Giáo trình “Đại cương Nghệ thuật Xiếc” của TS. – Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh đã được xuất bản và chuẩn bị đưa vào nội dung chương trình đào tạo chính thức của Trường. Hội đồng khoa học cấp cơ sở của Trường cũng đã tổ chức nghiệm thu 4 bộ giáo trình cấp Bộ: Giáo trình “Cơ bản Nhào lộn”, giáo trình “Cơ bản Thể thao”, giáo trình “Lịch sử Xiếc” và Phim khoa giáo “Cơ bản Nhào lộn”.

Cả 4 bộ giáo trình trên hiện đang được chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Hội đồng khoa học cấp Bộ nghiệm thu trong thời gian tới.

Tháng 3 năm 2012, cán bộ Khoa học của Trường phối hợp với Đại học Văn hóa Hà Nội đã thực hiện và bảo vệ thành công Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “ Nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động Marketing đối với nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ hội nhập”. Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đã đánh giá chất lượng Đề tài đạt loại khá.

Kể từ khi được thành lập tới nay, Trường đã đào tạo được hơn 30 khóa chính quy và không chính quy với 1390 học sinh; dàn dựng được 458 tiết mục xiếc. Góp phần sáng lập các Đoàn Xiếc Nhân dân Long An, Đoàn Xiếc Gia Lai Kontum, Nhóm Xiếc Tỉnh đoàn Tây Ninh.

Với nhiệm vụ Quốc tế, Trường đã đào tạo được 144 diễn viên và 92 tiết mục cho CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia. Hiện nay Trường đang tiếp tục đào tạo cho Vương quốc CPC 17 h/s và dự kiến dàn dựng 12 tiết mục. Trong đó thành tích đáng phải kể đến và được ghi nhận là đã góp phần thành lập lên hai Đoàn Xiếc Quốc gia Lào và Đoàn Xiếc Quốc gia Campuchia.

Cũng trong lĩnh vực hợp tác khoa học đối ngoại, Lãnh đạo Bộ Văn hóa -Thể thao và du lịch đã tin tưởng và chọn Trường làm chủ đầu tư từ khâu nghiên cứu thiết kế bản vẽ thi công, đến khâu triển khai tổ chức sản xuất 01 rạp bạt sân khấu tròn để tặng cho Bộ Văn hóa Nghệ thuật và ngành Xiếc của Vương quốc Campuchia. Công trình Rạp bạt đã được hoàn thiện và lắp dựng xong tại trung tâm Thủ đô Phnompenh và dự kiến tổ chức khánh thành và bàn giao nhân dịp “Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia” vào cuối tháng 9 năm 2012 tới đây.

Nhằm đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cao, từ năm 2007 đến nay, Trường luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, CNV; Cử cán bộ, giáo viên đi học các lớp đại học và sau đại học. Cử cán bộ, đảng viên đi học các lớp trung, cao cấp lý luận chính trị.

Hàng năm mở các lớp bồi dưỡng tại Trường về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ và giáo viên giảng dạy của các khoa. Triển khai kế hoạch cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo, tập huấn tại các nước có nền nghệ thuật Xiếc phát triển, mời chuyên gia sang giảng dạy tại Trường…

Đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên về trình độ đào tạo đã có: 01 Tiến sĩ, 04 Thạc sĩ, 01 nghiên cứu sinh đào tạo ở trình độ Tiến sĩ, 3 cán bộ, giáo viên được cử đi đào tạo ở trình độ Thạc sĩ, 37 cán bộ, viên chức có trình độ Đại học…

Khó khăn mang tính đặc thù

Gắn liền với những kết quả, thành tích đáng ghi nhận kể trên là biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh của toàn trường đã đổ ra trong suốt nửa thế kỷ qua.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường còn nghèo nàn, phần nào chưa đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi đối với loại hình đào tạo chuyên biệt này. Mức đầu tư kinh phí còn hạn hẹp và chưa đáp ứng được với một trường đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp duy nhất tại Đông Nam Á hiện nay. Nhu cầu về chế độ, chính sách trợ cấp đối với đội ngũ giáo viên và học sinh của loại hình đào tạo chuyên biệt này phần nào vẫn chưa đáp ứng đủ.

Tập thể cán bộ, giáo viên toàn Trường tuy đông, nhưng thực tế đội ngũ giáo viên giảng dạy và huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ xiếc lại chỉ có gần 20 người. Trong đó nếu kể đến yêu cầu chuẩn về trình độ đại học đối với giáo viên Trường Trung cấp chuyên nghiệp, thì có nhiều người đang giảng dạy không  đúng với chuyên ngành được đào tạo. Vì thế phần nào đã ảnh hưởng đến năng lực sáng tạo, khả năng truyền thụ những kỹ năng, kiến thức cho học sinh và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chung của Nhà trường.

Trong những năm gần đây, mặc dù Ban giám hiệu đã chú trọng quan tâm đến vấn đề xây dựng hệ thống cơ sở lý luận phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đó là hệ thống giáo trình các chuyên ngành đào tạo; hệ thống tài liệu tham khảo, các sách chuyên luận… Song, nếu muốn tiếp tục phát triển và nâng cấp trường lên thành trường cao đẳng thì Nhà trường cần phải tiếp tục đầu tư, triển khai nghiên cứu, biên soạn thêm các bộ giáo trình mới.

Mặc dù là Trường Trung cấp chuyên nghiệp đào tạo tài năng nghệ thuật, với đặc thù là học sinh năng khiếu được tuyển vào học cùng một khóa nhưng lại có độ tuổi dao động từ 11 cho đến 18. Vì thế song song với việc đào tạo chuyên ngành, Nhà trường còn phải đảm nhận cả nhiệm vụ giảng dạy văn hóa, hoàn thiện các chương trình giáo dục bậc THCS, THPT cho học sinh.

Một vấn đề nữa cần phải nhắc đến, đó là do có sự chênh lệch về độ tuổi như đã nêu trên, nên đã dẫn tới năng lực nhận thức cũng như sự phát triển tâm, sinh lý của mỗi độ tuổi học sinh có sự khác biệt. Điều này đã làm cho ý thức tuân thủ, chấp hành nội quy trong học tập và sinh hoạt ở một bộ phận học sinh còn kém và không đồng đều. Đây cũng là những tồn tại chung mà khối các trường nghệ thuật luôn gặp phải bởi tính hiếu động của các em học sinh các trường này.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, Nhà trường đã thành lập Phòng đào tạo và Quản lý học sinh với hai chức năng cơ bản là quản lý đào tạo và quản lý học sinh. Bộ phận quản lý học sinh được quan tâm chặt chẽ với hệ thống giáo viên chủ nhiệm Khóa, giáo viên chủ nhiệm Lớp văn hóa phổ thông. Ngoài ra tại khu Ký túc xá học sinh, sinh viên còn có 02 giáo viên quản lý học sinh ngoài giờ hành chính.

Bất cập trong hoạt động đào tạo

Nghịch lý đầu vào (tuyển sinh) và đầu ra (tốt nghiệp)

Nếu như trước đây, các học sinh của Trường sau khi thi tốt nghiệp rất khó có thể xin được việc làm tại các đoàn xiếc. Nhiều em trong số đó phải chuyển sang học ngành khác, thì cũng trong thời gian đó, công tác tuyển sinh đầu vào lại không mấy khó khăn đối với Nhà trường bởi 100% học sinh học tập tại Trường được hưởng chế độ bao cấp đặc biệt. Kể từ năm 2006 trở lại đây thì mọi việc lại diễn biến theo chiều ngược lại.

Các học sinh của Trường tốt nghiệp ra trường lập tức được lãnh đạo các đoàn nghệ thuật xiếc trong cả nước sẵn sàng tiếp nhận. Cụ thể thời gian gần đây nhất, tại buổi tọa đàm diễn ra ngay sau khi học sinh Khóa 27 thi tốt nghiệp vào tháng 6 năm 2012 , Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Phó Trưởng đoàn Đoàn Xiếc Hà Nội đều đã đề nghị Ban giám hiệu trường cho tiếp nhận toàn bộ 16 học sinh khóa 27 vừa thi tốt nghiệp về đoàn mình. Song vì đã nhận trước, nên hầu hết số học sinh nêu trên đã được giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tuyển chọn về đơn vị mình. Đoàn Xiếc Hà Nội buộc phải chờ để được tiếp nhận toàn bộ số học sinh khóa 28 sắp tốt nghiệp vào tháng 9 tới đây.

Trước thực trạng nguồn cung không đủ cầu đang khiến cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Nhà trường hết sức đau đầu về công tác tuyển sinh. Ngoài lý do không còn được hưởng bao cấp trong quá trình học, nghề Xiếc với thu nhập thấp khi ra trường không còn là nghề thu hút học sinh theo học. Trong khi đó, việc học tập, rèn luyện lại hết sức vất vả. Chấn thương, tai nạn nghề nghiệp lại luôn luôn rình rập.

Nhà trường chỉ còn có thể tuyển sinh ở những khu vực vùng sâu, vùng xa mà vẫn còn hết sức khó khăn mới đạt đủ chỉ tiêu được giao. Để tháo gỡ khó khăn cho gia đình các em học sinh, Nhà trường đã có kiến nghị gửi lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin cho học sinh Trường Xiếc được chế độ chính sách đặc thù như đối với học sinh của các trường dân tộc nội trú.

Bất cập trong việc công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh

Một trong những bất cập nữa mà Nhà trường luôn phải đối diện trong quá trình đào tạo là việc công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh ra trường.

Đối với các trường đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề khác, quy định tuyển sinh đầu vào là các học sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông (hoặc Bổ túc trung học phổ thông), điều này hoàn toàn phù hợp với Quy chế đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy, tức là muốn có Bằng tốt nghiệp hệ trung cấp thì học sinh phải có bằng tốt nghiệp THPT.

Như đã nêu trên, học sinh Trường Xiếc tuyển đầu vào có độ tuổi dao động từ 11 cho đến 18, nên hầu hết học sinh khi thi tốt nghiệp mới có độ tuổi 16 và đương nhiên, các em chưa có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông. Đây chính là lý do trong suốt lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Trường chưa một lần tổ chức được Lễ phát bằng tốt nghiệp chung cho học sinh khi ra trường.

Nhiều thế hệ học sinh của Trường mặc dù đã tốt nghiệp và đi làm, thậm chí nhiều người trong số đó giờ đây đã nghỉ hưu, song họ vẫn chưa đủ điều kiện để được cấp bằng tốt nghiệp với lý do chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Cụ thể gần đây nhất, trong số 16 em dự thi tốt nghiệp của khóa 27 vừa qua, chỉ có 9 em có đủ điều kiện được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng tốt nghiệp. 7 em còn lại, vì chưa tốt nghiệp THPT nên chưa được công nhận tốt nghiệp và sẽ chưa được cấp bằng tốt nghiệp của Trường.

Làm việc với Ban giám hiệu nhà trường về vấn đề này, nhóm phóng viên chúng tôi được biết, hiện nay Phòng đào tạo và Quản lý học sinh của trường đang quản lý hơn một trăm phôi bằng của học sinh những khóa đã tốt nghiệp trước đây (kể từ khóa I). Nhiều người trong số đó chưa đủ điều kiện để được cấp Bằng. Có những người có đủ điều kiện được cấp bằng, thì lại không đến nhận Bằng.

Về vấn đề này, Cấp ủy đảng và Ban giám hiệu đã họp và trong thời gian tới, giải pháp sử lý số phôi bằng trên sẽ chính thức được thông qua để báo cáo Vụ Đào tạo – Bộ VHTTDL đưa vào triển khai thực hiện trong thời gian cuối năm nay. Tránh để một số tổ chức và cá nhân vì không tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ, nên đã có cái nhìn phiến diện, dẫn đến những suy nghĩ sai lệch và tùy tiện phát ngôn không đúng về Nhà trường.

Ghi nhận thành tích

Sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong cả nước dành cho Trường trong suốt 50 năm qua đã thực sự là nguồn động viên to lớn, giúp cho tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường vượt lên những khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Ghi nhận trước những thành tích của trường trong 50 năm qua đã đào tạo ra nhiều thế hệ diễn viên xiếc tài năng; dàn dựng được nhiều thể loại tiết mục xiếc có chất lượng cao. Trường không những chỉ góp phần duy trì sự tồn tại và phát triển của ngành xiếc Việt Nam, mà nó còn khẳng định vị trí quan trọng không thể thiếu trong việc định hướng phát triển nền nghệ thuật xiếc Việt Nam và nghệ thuật xiếc của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Nhà trường những phần thưởng cao quý:

•    Huân chương Lao động hạng Nhất – năm 2001
•    Huân chương Lao động hạng Nhì – năm 2006
•    Huân chương Lao động hạng Ba – năm 1991
•    Huân chương Độc lập hạng Ba – năm 2011

Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hà Nội cũng đã trao tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua cho tập thể, cá nhân của Trường do đã có những đóng góp tích cực cho nền nghệ thuật biểu diễn sân khấu của nước nhà.

Năm 2003, Chính phủ nước CHDCND Lào đã tặng cho tập thể Nhà trường Huân chương Lao động hạng Nhì trước những đóng góp cho sự phát triển của ngành xiếc của CHDCND Lào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *