Xiếc Việt Nam còn vươn xa …

PHÓNG VIÊN (PV) TẠP CHÍ SÂN KHẤU ĐÃ CÓ CUỘC PHỎNG VẤN TIẾN SỸ HOÀNG MINH KHÁNH (TS. HMK), HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỆ THUẬT XIẾC VÀ TẠP KỸ VIỆT NAM SAU KHI LIÊN HOAN XIẾC QUỐC TẾ LẦN THỨ IV KẾT THÚC, VỚI KẾT QUẢ ĐEM VỀ 01 HUY CHƯƠNG VÀNG VÀ 01 HUY CHƯƠNG BẠC CHO NHÀ TRƯỜNG.
PV: Được biết tiết mục “Ngày hội Tây Nguyên” của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đạt giải Vàng, anh hãy cho biết rõ hơn về những ý tưởng và quá trình tập luyện để hoàn thành tiết mục này?
TS. HMK: Trong một dịp đi công tác tại Đà Lạt vào đầu xuân Mậu Tý. Một buổi tối trong tiết trời se lạnh của vùng cao nguyên, đang ngồi uống rượu tại hàng cùng mấy anh bạn bên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì nghe ca khúc “Tình ca Tây nguyên” của Nhạc sĩ Hoàng Vân do nhóm diễn viên của nhà hàng biểu diễn. Tất cả chúng tôi đã hát theo. Và rồi có lẽ do giai điệu, ca từ của bản tình ca này đến với tôi trong trạng thái tâm lý thăng hoa (được hát cùng các ca sĩ) và hòa nhập được với không gian, cũng như khí trời của vùng cao nguyên đã làm cho tôi nảy sinh ý tưởng dàn dựng “Ngày hội Tây Nguyên”. Khi trở về Hà Nội, tôi đã bàn với thầy Nguyễn Việt Hùng, người đang cùng tôi huấn luyện và dàn dựng tiết mục “Cầu bật sào” cho học sinh khóa 25. Thế rồi sau một năm, tác phẩm (tiết mục) “Ngày hội Tây Nguyên” của học sinh Khóa 25 đã được hình thành và ra đời.
Sự xuất hiện của “Ngày hội Tây Nguyên” trên sân khấu Xiếc Việt Nam ngay lập tức đã gây được ấn tượng rất mạnh đối với giới chuyên môn và khán giả cả nước. Tại Cuộc thi Tài năng Xiếc trẻ 03 nước Đông Dương tháng 10 năm 2009 tổ chức tại Hà Nội, “Ngày hội Tây Nguyên” đã nhận được giải Ba và một năm sau đó, khi tham gia Liên hoan Xiếc Quốc tế tổ chức vào tháng 8 năm 2010 tại Hà Nội, “Ngày hội Tây Nguyên” đã đoạt được huy chương Bạc
Thế hệ học sinh tiếp tục tham gia tiết mục này để tham dự Liên hoan Xiếc Quốc tế lần thứ IV là thế hệ học sinh Khóa 28. Trình độ kỹ năng, kỹ xảo của thế hệ học sinh K.28 này được nâng cao hơn rất nhiều so với thế hệ học sinh K.25. Giáo viên cộng tác với tôi huấn luyện nhóm học sinh K.28 lúc này là Đặng Thái Sơn, người đã được đào tạo tại Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ nước Cộng hòa Liên bang Nga.
Thời gian tập luyện và dàn dựng tiết mục kể từ ngày hoàn thiện kịch bản Đề án tiết mục và bắt đầu tổ chức huấn luyện và dàn dựng cho “Ngày hội Tây Nguyên” mất tròn 3 năm.
Khó khăn nhất trong quá trình tập là số lượng học sinh tham gia trong tiết mục quá đông, 28 em. Trong đó diễn viên chính là 12 em và diễn viên tham gia nhào lộn và múa phụ họa là 16 em. Do đội tuổi khác nhau: em nhỏ nhất (Con) khi bắt đầu luyện tập là 13 tuổi, em lớn nhất (Trụ) bắt đầu luyện tập là 20 tuổi, nên quá trình giảng dạy và huấn luyện các em đã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong công tác quản lý học sinh ngoài giờ.
Nếu ở thế hệ thứ nhất với học sinh Khóa 25, em nhào lộn giỏi nhất là Nguyễn Văn Tú, thì ở thế hệ K.28 đoạt giải Huy chương Vàng Liên hoan Xiếc Quốc tế lần thứ IV này, em thực hiện các động tác kỹ thuật khó nhất và ở trình độ cao nhất so với các diễn viên xiếc Việt Nam là em Quách Xuân Tùng, người dân tộc Mường.
PV: Tiết mục “Ngày hội Tây Nguyên” được giải Vàng, tiết mục “Đu quay” được giải Bạc và cá nhân ông được nhận giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” trong kỳ Liên hoan này. Đây là vinh dự đối với Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam nói riêng và ngành xiếc Việt Nam nói chung, ông có thể chia sẻ đôi điều về thành tích này với người hâm mộ nghệ thuật xiếc của cả nước?
TS. HMK: Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã đăng ký 03 tiết mục tham gia Liên hoan xiếc Quốc tế lần thứ IV. Tiết mục “Nhào lộn trên xe Môtô” do em Nguyễn Ngọc Thịnh bị sốt cao, chỉ dự thi biểu diễn có một lần nên đã không được Hội đồng Giám khảo tính điểm để xét giải. Vì thế 02 tiết mục “Ngày hội Tây Nguyên’ và “Đu Quay” đã được Hội đồng Giám khảo chấm điểm đánh giá Huy chương Vàng và Huy chương Bạc.
Kết quả mà Trường chúng tôi đạt được là niềm vinh dự chung của cả ngành xiếc Việt Nam, chứ không chỉ của riêng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Trong lịch sử 15 năm (kể từ năm 1997) Xiếc Quốc tế tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, tiết mục của ngành Xiếc Việt Nam đoạt huy chương Vàng một cách xứng đáng và thuyết phục, với tổng số điểm của tiết mục cao thứ hai, sát với điểm số tiết mục “Đứng tay của Mỹ”. Tiết mục “Đu quay” cũng đạt số điểm cao sát nút so với tiết mục đoạt Huy chương Vàng.
Kết quả này đã không chỉ khẳng định được uy tín và chất lượng đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp của nhà trường trong giai đoạn 6 năm qua (kể từ năm 2006), mà còn tạo được niềm tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn trường đối với kế hoạch – chiến lược phát triển và nâng cấp trường lên thành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam giai đoạn sau 2013 mà Cấp ủy Đảng, Ban giám hiệu đã xây dựng trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.
PV: Với cương vị của mình, anh hãy cho biết về hướng đi và sự hứa hẹn của loại hình nghệ thuật xiếc Việt Nam trong tương lai?
TS. HMK: Trong 06 năm qua, kể từ kế hoạch xây dựng lại mục tiêu và nội dung chương trình đào tạo của Trường nhằm tạo tiền đề cho việc nâng cấp Trường lên thành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam giai đoạn sau năm 2013. Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung đào tạo học sinh theo hướng “nhất chuyên, đa năng”. Điều này có nghĩa là 01 học sinh cần phải biểu diễn rất giỏi một thể loại tiết mục, nhưng cũng cần phải có đủ trình độ để tham gia vào nhiều thể loại tiết mục xiếc khác.
Chúng tôi cũng tập trung sáng tác và xây dựng đề án tiết mục theo Nhóm tiết mục và Nhóm học sinh. Cụ thể 01 học sinh cần tham gia vào 01 tiết mục tập thể và 01 tiết mục cá nhân trong một “Nhóm tiết mục”. Nhóm học sinh từ 10 em trở xuống, có thể sẽ có ít nhất 05 tiết mục, trong đó có 01 tiết mục tập thể đông người, 03 tiết mục ít người tham gia và có 01 tiết mục cá nhân.
PV: Trân trọng cảm ơn anh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *