Gian nan nghề Xiếc

Với nghệ thuật xiếc, phát hiện được tài năng đã khó, tạo điều kiện, môi trường để tài năng đó phát triển càng khó hơn, đòi hỏi sự khổ luyện của học viên cũng như đầu tư của Nhà nước trong quá trình đào tạo. Vì thế, hành trình “đãi cát tìm vàng” của xiếc Việt còn nhiều gian nan.

“Đãi cát tìm vàng”

Ngày 8 – 9.7, Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tổ chức vòng phúc tuyển diễn viên xiếc chuyên nghiệp hệ chính quy 2017 – 2022. TS. Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ tháng 3, Hội đồng trường đã tiến hành tuyển sinh trực tiếp tại 210 trường của 3 tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó có 113 trường tiểu học, 85 trường THCS, 12 trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển là 8.321 thí sinh. Sau vòng sơ tuyển, 679 thí sinh trúng tuyển tiếp tục tham gia vòng trung tuyển để lựa chọn 200 thí sinh. Trong hai ngày phúc tuyển vừa qua, các môn thi đòi hỏi kỹ thuật khó, nhằm lựa chọn ra 35 em có năng khiếu để chính thức đào tạo trong 5 năm tới. Theo TS. Hoàng Minh Khánh, với điều kiện và khả năng đào tạo đặc thù, nhà trường chỉ có thể đáp ứng được số lượng học sinh khiêm tốn như vậy. Tuy nhiên trong quá học tập, trải qua quá trình rèn luyện gian khổ, cộng với áp lực từ nhiều phía, học sinh sẽ tiếp tục “rơi rụng”, đến khi ra trường có khi chỉ còn 25 em.

TS. Hoàng Minh Khánh cho rằng, xiếc Việt đang có khoảng trống rất lớn trong khâu đào tạo. Nguồn lực giáo viên chuyên ngành xiếc hiện nay quá mỏng, khó đáp ứng những đòi hỏi cao hơn trong công tác tuyển sinh. Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đang xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề hợp tác với các đơn vị giải trí nước ngoài. Nếu được thông qua thì đây sẽ là một hướng đi mới trong đào tạo học sinh trường xiếc.

Xiếc vốn là một trong những ngành nghề được cho là khắc nghiệt trong khâu tuyển chọn và đào tạo diễn viên. Với đặc thù về tuổi đời quá trẻ, tuổi nghề quá ngắn, quá trình tập luyện gian khổ, nhưng không mấy ai sống được bằng nghề, ngành xiếc luôn gặp nhiều khó khăn. “Công tác đào tạo của chúng tôi cung không đủ cầu. Chúng tôi hy vọng, với sự cởi mở trong hợp tác quốc tế trong đào tạo, trường sẽ có thêm hướng đi để học sinh có nhiều cơ hội ra nước ngoài phát triển tài năng” – ông Khánh cho hay.

Khai thác thế mạnh của xiếc Việt

Mới đây, tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba Circuba 2017, đoàn Việt Nam với tiết mục nhào lộn trên không mang tên Cánh chim Việt đã xuất sắc đoạt Mái bạt vàng – giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Hai diễn viên Nguyễn Ngọc Ánh và Nguyễn Thị Thu Thùy chính là học viên của Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Họ đã chinh phục khán giả Cuba và quốc tế với kỹ thuật điêu luyện. Điều làm nên chiến thắng gần như tuyệt đối của tiết mục là tổng hòa các yếu tố: Kỹ thuật, nghệ thuật, cấu trúc tiết mục… Nguyễn Thị Thu Thùy chưa tròn 18 tuổi, song đã có cả một quá trình tập luyện đầu tư bài bản từ khi 11 tuổi. Thùy cho biết, những ngày đầu bước chân vào trường, mọi thứ với em đều khó khăn, phải xa cha mẹ, vừa học văn hóa vừa học nghề, yêu cầu về môn học lại vô cùng khắt khe. “Em từng chứng kiến vài người bạn của mình phải nghỉ học giữa chừng do không đáp ứng được yêu cầu của môn học”.

Thành công của Nguyễn Ngọc Ánh và Nguyễn Thị Thu Thùy trở thành động lực để Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam nâng tầm xiếc Việt. Tuy nhiên, theo lời lãnh đạo nhà trường, việc đào tạo đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu giáo viên. Bởi hơn chục giáo viên mới huấn luyện được một học sinh xiếc từ ngày nhập học tới lúc tốt nghiệp, trong khi lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Mặc dù trường có phòng tập 10.000m2 nhưng trang thiết bị sơ sài, nhiều đạo cụ chuyên dụng phải “tự thân vận động”, chế tạo thủ công. Ông Hoàng Minh Khánh lấy ví dụ, xe đạp để tập tiết mục thăng bằng trên dây căng cao có khi chất lượng “kém cả xe thồ ngày xưa”. Quy luật đào thải ở ngành xiếc rất khắc nghiệt, chưa kể tâm lý học sinh dễ dàng bị lung lay. Bản thân Nguyễn Ngọc Ánh cũng nhiều lần muốn bỏ học, bỏ nghề. Nhà trường đã thuyết phục, giữ Ánh lại làm giáo viên và cử đi học lớp đạo diễn xiếc tại Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh.

Về tham vọng nâng tầm xiếc Việt, ông Khánh cho biết, học sinh Việt Nam người nhỏ nên chọn tiết mục phù hợp, không thể đầu tư những tiết mục cần thể lực và tầm vóc như thế giới. Trong lúc chờ đợi sự hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước, Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đang xây dựng chiến lược để mỗi học sinh có năng lực gì sẽ khai thác năng lực ấy. Bên cạnh chuyên môn, học sinh trường xiếc còn được đào tạo văn hóa ứng xử, kỹ năng mềm, nhằm từng bước hội nhập với đồng nghiệp khu vực và thế giới.

Hồng Hà

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *