Khổ luyện để trở thành diễn viên xiếc chuyên nghiệp

Phải tận mắt chứng kiến mới thấy được sự kiên trì, chịu khổ, chịu khó của các em học sinh Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Vào học từ lúc tuổi còn nhỏ, nhưng các em luôn thể hiện sự tự lập, ý chí bền bỉ, vượt qua khó khăn vì mong ước được trở thành một diễn viên xiếc chuyên nghiệp.

Đến thăm và chứng kiến một buổi luyện tập của các em học sinh chuyên ngành Xiếc, Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam mới thấy được sự vất vả, khó khăn và kiên trì trong tập luyện của các em học sinh nhỏ tuổi. Để trở thành một diễn viên xiếc, các em được đào tạo trong 5 năm, hai năm đầu các em sẽ được học cơ các môn cơ bản như: Cơ bản thăng bằng, cơ bản nhào lộn, cơ bản thể thao và cơ bản tung hứng. Căn cứ vào năng khiếu và kết quả học tập của 2 năm này, bắt đầu từ năm thứ 3, học sinh được chia theo chuyên ngành để luyện tập chuyên sâu và luyện tập tiết mục cho đến khi tốt nghiệp.

Độ tuổi tuyển sinh vào Trường từ 11-15 tuổi đối với nữ và từ 11-18 tuổi đối với nam. Sau khi trúng tuyển, các em học sinh được ở trong ký túc xá dành cho Khối các trường văn hóa nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hàng tháng, ngoài học bổng dành cho các em học sinh học giỏi, mỗi em được hưởng trợ cấp 56.000 đồng theo quy định của Nhà nước và được trang bị giày, tất cùng phương tiện luyện tập. Các em cũng được Nhà trường hỗ trợ tiền ăn tại bếp ăn của Trường với định mức bình quân 180.000đ/1 học sinh/1 tháng.

sinh-vien-xiec-8-5547-1386813409.jpg

Vũ Thị Kim Oanh, 11 tuổi (ở Thạch Thất, Hà Nội) là học sinh năm đầu tiên học tập tại Trường. Em yêu thích xiếc, muốn được đứng trên sân khấu biểu diễn trước sự cổ vũ của khán giả. Bố mẹ chia tay từ năm cô bé mới 14 tháng tuổi, mẹ em đi làm ăn xa nên cũng không đồng hành được cùng em trong những tháng ngày học tập tại Trường. Nhưng bù lại, em nhận được sự thương yêu và động viên của ông bà nội, cuối tuần Oanh được ông bà nội đón về quê chơi. Những lúc buồn hay mệt mỏi vì tập luyện, em lại mong điện thoại của mẹ ở Đài Loan gọi về để chia sẻ và động viên em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và học tập.

sinh-vien-xiec-7-3984-1386813409.jpg
Đang đào tạo tại Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, ngoài các học sinh Việt Nam còn có các học sinh Campuchia. Lớp học sinh Campuchia đang học tập tại Việt Nam có độ tuổi từ 13 đến 21 tuổi. Trước khi sang học tập, họ từng có thời gian học cơ bản Xiếc ở Campuchia và trong số các học sinh có em đã từng là diễn viên của các đoàn nghệ thuật tại Campuchia.

sinh-vien-xiec-4-1210-1386813409.jpg

Nith, học sinh người Campuchia nhỏ tuổi nhất – 13 tuổi, đang làm động tác uốn dẻo trên tay của bạn diễn. Sang Việt Nam học tập tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam từ năm 10 tuổi, cô bé hiện tập chuyên sâu tiết mục “Lưới bật đạp người”, “Uốn dẻo đôi” và “Dây căng cao”.

sinh-vien-xiec-14-2451-1386813410.jpg
Các học viên Campuchia được đào tạo 4 năm ở Việt Nam. Do thời gian ít nên họ phải tích cực luyện tập nhiều tiết mục và tranh thủ cả ngày cuối tuần.

Là học sinh chăm chỉ, được đánh giá cao trong lớp Campuchia, San KengHuy rất hăng hái luyện tập với cường độ nặng và thường xuyên luyện tập thêm giờ, ngày nào KengHuy cũng phải tập liên tục 3 tiết mục và em cũng luôn canh thời gian trống sân tập giữa các tiết mục để tập luyện thêm. Em chia sẻ, với em, tiết mục dây căng khó thực hiện nhất vì phải đứng trên cao và chỉ dựa vào sào để giữ thăng bằng. Để đứng vững trên dây, KengHuy phải lái sào sao cho không bị nghiêng ngả, mắt luôn tập trung vào một điểm phía trước, chân đi trên một đường thẳng. Ban đầu, em tập làm đế cho một “con” rồi dần dần tăng lên hai “con”. Suốt một tháng, KengHuy chỉ tập cầm sào, tập lái cho biết cảm giác, sau đó mới làm trụ.

Là học sinh có khả năng nói tiếng việt tốt, em còn mô tả thêm: “Một mình đi trên dây đã khó, không cẩn thận là ngã xuống đất hoặc bị chấn thương khi luyện tập, giờ có thêm một người nữa đứng trên vai, trồng cây chuối trên đầu thì không còn nhẹ nhàng nữa. Lúc ấy, cơ thể khó giữ thăng bằng và thường bị đổ trái, đổ phải”.

sinh-vien-xiec-5-2015-1386813409.jpg

Ở Trường, ngoài học chuyên ngành xiếc các em còn được học văn hóa hệ bổ túc (từ lớp 6 đến lớp 12) tùy theo lứa tuổi và trình độ khi các em nhập học. Một ngày mới của các học sinh thường bắt đầu từ lúc 6h30 sáng. Ăn sáng xong, tùy theo lịch, các em sẽ học cơ bản từ 7h đến 9h sau đó tập tiết mục suốt ba tiếng rồi nghỉ trưa trước khi bắt đầu ca học văn hóa lúc 2h chiều. Học xong, các em lại tranh thủ tới phòng tập đến 7h tối mới nghỉ.

Nhiều em học sinh năm cuối còn được tạo điều kiện tham gia vào các tiết mục diễn Chào đầu hoặc Kết thúc để làm quen với sân khấu và áp lực từ khán giả trong các buổi diễn chính thức của Nhà hát thể nghiệm của Trường. Nên với những em học sinh này, sau 1 ngày tập luyện vất vả, thời gian nghỉ ngơi của các em còn ít hơn những học sinh khác.

sinh-vien-xiec-13-3453-1386813410.jpg
Những tiết mục thực hiện trên cao luôn có độ nguy hiểm lớn, vì vậy khi tập, học sinh được đeo dây bảo hiểm và có người hỗ trợ bên dưới.
sinh-vien-xiec-12-1773-1386813410.jpg

Tiết mục nhào lộn trên xào được xem là khó và nguy hiểm cho người thực hiện. Lúc biểu diễn thực, không có dây bảo hiểm, diễn viên biểu diễn động tác chính (thường được gọi là con) phải có sự phối hợp nhịp nhàng với người làm trụ bên dưới. Người làm trụ phải xác định được điểm rơi chính xác chân của con để đón, chỉ cần không hiểu ý nhau hoặc mất tập trung 1 chút là động tác sẽ bị hỏng.

Khó khăn, vất vả là thế, song với các em học sinh Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, được đứng trên sân khấu là ước mơ thường trực với các em ngay cả trong giấc ngủ. Nhìn vào tấm gương những anh, chị học sinh khóa trước, nhìn vào những diễn viên thành danh trên sân diễn và gặt hái những thành công trong các liên hoan xiếc lớn, các em lại như được tiếp thêm động lực để tiếp tục luyện tập. Những ngày tháng luyện tập cực khổ, vất vả, chuyên tâm hôm nay để các em trở thành những nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp mai sau.

Kim Thương – Bùi Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *