Một công trình nghiên cứu, lý luận có giá trị về Nghệ thuật Xiêc

MỘT CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN CÓ GIÁ TRỊ VỀ
NGHỆ THUẬT XIẾC

00. Đó là “Giáo trình dành cho các trường đào tạo diễn viên Xiếc và Tạp kỹ chuyên nghiệp” được mệnh danh là “Đại cương Nghệ thuật Xiếc” (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2010) của TS. Hoàng Minh Khánh.

Cầm trong tay cuốn sách do đích thân tác giả tặng và đặt lên bàn để đọc, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ khi mà trước đây, vào những năm 1994, do sự ưu ái của Trường Trung học Xiếc Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tôi đã mạo muội biên soạn một giáo trình để giảng dạy cho lớp học ngắn ngày, do hai cơ quan trên tổ chức. Rồi sau đó, cái gọi là dự thảo giáo trình lý luận Xiếc ấy lại một lần nữa được Trường Trung học Xiếc Việt Nam và Nhà xuất bản Sân khấu in thành một cuốn sách nhỏ, để bây giờ – khi đọc cuốn sách – công trình của TS. Hoàng Minh Khánh, tôi càng giận bản thân vì cái sự liều lĩnh “hăng máu vịt” của mình dạo nào.

01. “Đại cương Nghệ thuật Xiếc” là một cuốn sách có đầy đủ phẩm chất của một công trình khoa học trước hết, bởi vì công trình ấy đã nghiên cứu nghệ thuật Xiếc theo cả hai chiều: hiện đại (synchronique) và lịch đại (diachronique) tức là trên cả mặt bằng, cắt ngang của nghệ thuật Xiếc, bao gồm một hệ thống vấn đề lý luận (problematique), cũng như về thực trạng của nghệ thuật Xiếc hiện nay và trên cả chiều dọc, chiều lịch sử, phát triển của nghệ thuật Xiếc, từ buổi sơ khai hình thành cho đến tận hôm nay. Vì vậy có thể nói rằng, cuốn sách mà chúng ta đang “đọc” đây là công trình lý luận có tính lịch sử, một mặt, và lịch sử có tính lý luật, mặt khác.

01.1. Về mặt bằng cắt ngang, tức mặt đồng đại (synchronique) công trình bao gồm một hệ thống vấn đề, có thể nói là đầy đủ về nghệ thuật Xiếc, từ những thuật ngữ (terme) chuyên ngành cần phải thống nhất trong tên gọi và cả trong khái niệm (conception) (tr. 15-26). Chỉ nguyên một thuật ngữ Xiếc thôi, tác giả đã trình bày cả phương diện từ nguyên học (étymologie) với những tên gọi trong các ngôn ngữ lớn như Nga, Pháp, Anh, đến ngữ nghĩa học (sémantique); từ hình tròn đến sân khấu tròn rồi sân khấu Xiếc và cuối cùng là nghệ thuật Xiếc. Còn về hệ thống vấn đề thì công trình đã trình bày, giải thích một cách xúc tích các yếu tố cơ bản cấu thành nghệ thuật Xiếc (tr. 37-59), từ các thể loại Xiếc người đến các thể loại Xiếc thú và cuối cùng là các nghệ thuật phụ trợ trong nghệ thuật tổng hợp xiếc. Ở đây cần đặc biệt ghi nhận công phu sắp xếp khái quát trong những biểu đồ về nghệ thuật Xiếc nói chung, về các thể loại Xiếc thú, Xiếc người, các thể loại Xiếc nhào lộn, thăng bằng, Xiếc khéo, Xiếc thể thao, Xiếc Hài hước, Xiếc ảo thuật lớn, nhỏ. (tr. 68-82)

01.1.1. Chúng ta biết rằng, trong lý luận và đặc trưng thể loại, cấu trúc (structure) là vấn đề hết sức quan trọng. Tôi chờ đọc vấn đề này, thì không đến nỗi phải chờ như chờ đợi Gô dro (En attendant de Godo), mà ngay ở Chương 3 cuốn sách, tác giả đã trình bày ngắn gọn, rõ ràng và rất cụ thể về cấu trúc tiết mục, cấu trúc chương trình và cuối cùng là vấn đề phân loại (classification) các thể loại tiết mục Xiếc (tr. 63-67)… Đó là việc làm rất khó, đòi hỏi cả về mặt phương pháp luận (methodologie) và các phương pháp (method) cụ thể.

01.1.2. Trong phần nghiên cứu mặt cắt ngang, đặc trưng thể loại (spécifique de genre) là vấn đề rất quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất. Chúng ta biết rằng, các đặc trưng thể loại của Văn học, nghệ thuật của Kịch, cho đến nay vẫn chưa phải là đã hết ý kiến cần bàn bạc trao đổi. Chẳng hạn đặc trưng của Văn học thường được xác định là ngôn từ, cho nên người ta mới gọi văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Nhưng thử hỏi Sử học, Địa lý học, Triết học… không dùng chất liệu ngôn từ hay sao. Vậy cho nên, khi lý luận về tính hình tượng được phát hiện và đúc kết, thì người ta mới đưa ra nhận định: Văn học là nghệ thuật của ngôn từ và hình tượng tức là dùng ngôn từ để xây dựng hình tượng… Về Kịch thì ngoài đặc trưng về ngôn ngữ đối thoại mà nhà văn Macxim Gorki đặc biệt nhấn mạnh, về tính hành động mà từ thời cổ đại, Aristốt đã nêu lên trong bài văn nổi tiếng “Nghệ thuật thi ca” tức Thi pháp (Poetique) của mình, thì người ta còn đặc biệt chú ý đến đặc trưng tính xung đột của kịch, song về tính xung đột thì vẫn chưa phải là hết những khía cạnh cần trao đổi.

Thậm chí ở Liên Xô, những năm 1950 và ở Việt Nam, những năm 1960, người ta vẫn còn tranh luận nhau gay gắt về vấn đề này (cuộc tranh luận giữa Hồ Ngọc và Trần Vượng, rồi cuốn vào cuộc cả Đình Quang, Xuân Trình (trên Tạp chí Văn học và trên báo Văn nghệ những năm 65, 66, 67 của thế kỷ 20, như ta đã biết). Với Xiếc, vấn đề đặc trưng cũng được trao đổi bàn cãi khá nhiều, mà ở đây tôi không lược thuật lại nữa, đặc biệt là vấn đề đặc trưng tính nghịch thường, và vấn đề ngôn ngữ của nghệ thuật Xiếc. Để đi tới một sự xác định có tính chất mở (tiếng Nga Sistema otkrưta), công trình – với tư cách là giáo trình đã nêu lên các đặc trưng của Xiếc như tính trò diễn, tính nghịch thường, tính kỳ lạ, tính bất ngờ v.v….(tr. 82-88) và cuối cùng là sự xác định ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc với những phân tích (analise), so sánh (comparaison), tác giả đi đến kết luận, theo tôi là chính xác: Ngôn ngữ của nghệ thuật Xiếc là hành động kỹ xảo mang tính độc đáo. (tr. 90)

02. Phần nghiên cứu Xiếc theo chiều lịch đại (diachronique) chiều dọc, tác giả đã trình bày quá trình hình thành và phát triển của Xiếc Việt Nam qua các thời kỳ từ nguồn gốc đến cổ truyền, rồi hiện đại với những nhận định chính xác, tư liệu đáng tin cậy. (tr. 105-117)

02.1. Lâu nay, trong nghiên cứu các loại hình thể loại Văn học, Nghệ thuật, nhất là các loại hình, thể loại mà người thưởng thức hiện diện với tư cách là người đồng sáng tạo như Nghệ thuật sân khấu, các nhà nghiên cứu thường ít quan tâm đến khâu tiếp nhận (reception) và người tiếp nhận – khán giả (spectateur). Công trình – giáo trình “Đại cương Nghệ thuật Xiếc” đã dành cả một chương (Chương 7) để đưa ra những nhận định khái quát về nhu cầu khán giả, về xu hướng phát triển của Xiếc Việt Nam hiện đại và cả vấn đề đào tạo diễn viên Xiếc chuyên nghiệp – một vấn đề thân thiết đối với một công trình nghiên cứu có tính giáo trình.

03. Phần phụ lục, gọi là phụ nhưng tôi lại thấy nó rất chính, rất cần thiết và bổ ích cho những ai thực sự quan tâm đến nghệ thuật Xiếc Việt Nam. Tác giả đã dày công thu thập các tài liệu, dữ liệu, sự kiện và cả những con số về các đơn vị có bộ môn xiếc qua các giai đoạn (về số lượng các thể loại tiết mục Xiếc, các khóa đào tạo Xiếc, thậm chí cả số lượng học sinh tốt nghiệp). (tr. 187-201). Và cuối cùng là những bức ảnh có giá trị làm hiện hình một số tiết mục Xiếc thuộc các thể loại khác nhau, cả thảy là 12 thể loại (tr. 201-216). Những bức ảnh này cũng phần nào làm hiện lên diện mạo và cả thể chất của Xiếc Việt Nam, với sự hấp dẫn và thích thú đối với độc giả, sau khi đã tiếp xúc và tiếp nhận cả một hệ thống vấn đề nặng ký và quan trọng về lý luận và lịch sử Xiếc Việt Nam.

04. Để kết thúc bài viết mang tính đọc sách này, tôi xin trao đổi một vài ý kiến với tác giả của công trình TS. Hoàng Minh Khánh. Nhìn chung, các luận điểm được trình bày có hệ thống, có phương pháp luận tốt, thể hiện ở tính hệ thống và tính đa dạng nhưng không phức tạp trong các bình diện, khía cạnh được khảo sát, tìm hiểu và tìm tòi phát hiện, cùng với tinh nghiêm túc của công trình mà bao trùm lên tất cả là sự hiểu biết một cách tương đối toàn diện về nghệ thuật Xiếc Việt Nam. Tuy nhiên, có một vài vấn đề tác giả tỏ ra quá cẩn trọng khi đưa vào những quan điểm, luận điểm đã trở thành thông dụng và có phần cũ, chẳng hạn vấn đề chức năng của Xiếc thì tác giả dựa vào và đưa ra 3 chức năng là: nhận thức, thẩm mỹ và giáo dục là điều rất đúng nhưng đã cũ. Mấy thập kỷ gần đây, người ta đã đưa ra luận điểm về tính đa chức năng của văn học nghệ thuật, trong đó chức năng giải trí được nhắc đến nhiều.

Tôi trộm nghĩ, nên mời TS. Hoàng Minh Khánh tham gia vào các hội đồng chấm luận văn thạc sĩ về Xiếc.

Tác giả bài viết: PGS. Tất Thắng, đăng trên Tạp chí Sân khấu – Tháng 7 + 9 năm 2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *